“Ơ kìa, tủ đông mà không đóng tuyết thì còn gì là tủ đông?”
Đây chắc hẳn là suy nghĩ đầu tiên của bạn khi nhìn thấy tiêu đề của bài viết này. Dĩ nhiên, với mục đích chính là bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ dưới -18℃ thì thực phẩm bị đóng tuyết là điều bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng tủ đông bị đóng tuyết đang được chúng tôi đề cập đến ở đây là tình trạng tuyết, đá bám thành từng mảng dày ở khắp tủ đông chứ không phải bám tuyết bình thường. Lúc này, tủ đông đã được xem là gặp vấn đề và cần được người dùng giải quyết kịp thời.
1. Những tổn thất tiềm ẩn khi tủ đông bị đóng tuyết
Lỗi tủ đông bị đóng tuyết nghe qua thì đơn giản, nhưng nếu không xác định đúng nguyên nhân và xử lý khéo léo thì có thể ảnh hưởng đến cả thiết bị. Theo các chuyên gia, nếu phát hiện tủ đông bị đóng đá dày một cách bất thường, người dùng nên tiến hành rã đá và truy tìm nguyên nhân gây ra lỗi để tránh:
- Làm lãng phí điện năng: Tủ đông bị đóng tuyết đồng nghĩa với việc hơi lạnh sẽ không lưu thông đều được trong tủ, làm giảm hiệu suất làm lạnh. Lúc này, người dùng cảm thấy tủ đông chưa đủ lạnh thường sẽ giảm nhiệt độ tủ xuống thấp hơn khiến tủ đông tiêu hao nhiều điện năng hơn.
- Làm hao mòn, giảm tuổi thọ linh kiện: Bên cạnh việc hao tốn điện năng, các linh kiện trong tủ đông (đặc biệt là máy nén) phải làm việc quá tải cũng sẽ nhanh mòn hơn.
- Khó sắp xếp đồ đạc vào tủ đông: Một số tủ đông khi bị đóng tuyết quá dày sẽ hình thành kết cấu gồ ghề trên bề mặt, gây khó khăn cho người dùng khi trữ thêm thực phẩm mới vào.
Do đó, người dùng cần phải xử lý lỗi tủ đông bị đóng tuyết càng sớm càng tốt. Để hỗ trợ người dùng làm điều đó, chúng tôi đã tổng hợp lại những nguyên nhân khiến tủ đông bị đóng tuyết và cách xử lý như sau:
2. Cách xử lý khi tủ đông bị đóng tuyết do độ ẩm thực phẩm cao
Rất nhiều người dùng có thói quen cất các loại thức ăn tươi sống (thịt cá, rau củ,…) vào tủ đông ngay sau khi rửa mà không kịp để ráo nước. Thói quen này sẽ khiến hơi ẩm trong tủ đông tăng lên và hình thành một lớp tuyết trong tủ.
Cách xử lý: Tránh để quá nhiều các loại thực phẩm có độ ẩm cao vào tủ đông. Nếu phải rửa thực phẩm trước khi cho vào tủ, hãy nhớ lau khô thực phẩm để tránh làm tủ đông bị đóng tuyết.
3. Cách sửa tủ đông bị đóng tuyết do không đóng được cửa tủ
Trên cửa các tủ đông đều được trang bị một miếng cao su giúp hơi lạnh không thoát ra ngoài gọi là ron tủ đông (hoặc gioăng tủ đông). Trong quá trình sử dụng, ron tủ đông có thể bị lão hóa hoặc gặp phải tác động vật lý khiến cửa tủ đông đóng không kín được. Hậu quả là hơi lạnh trong tủ sẽ thoát ra ngoài, hơi ẩm từ không khí sẽ xâm nhập vào tủ khiến tủ đông bị đóng đá.
Cách xử lý: Người dùng hạn chế đóng – mở tủ đông quá thường xuyên để gioăng cửa tủ không mòn nhanh. Trong trường hợp phát hiện gioăng tủ đông bị bong tróc, hãy liên lạc với dịch vụ thay ron tủ đông để được thay ron mới.
4. Cách sửa tủ đông bị đóng tuyết do lỗ thoát nước tắc nghẽn
Để phòng tránh hơi ẩm tích tụ, các tủ đông đều được trang bị kèm một lỗ thoát nước dưới đáy tủ. Tuy nhiên qua một thời gian dài sử dụng, các chất bẩn có thể tích tụ lại ở lỗ này khiến độ ẩm không thoát được ra ngoài khiến tủ đông bị đóng tuyết.
Cách xử lý: Kiểm tra, vệ sinh tủ đông định kỳ để đảm bảo lỗ thoát nước này luôn thông thoáng.
5. Sai lầm cần tránh khi xả tuyết trong tủ đông
Phản ứng thường gặp nhất của người dùng khi thấy tủ đông bị đóng tuyết là ngắt điện tủ và xả tuyết. Có rất nhiều cách để xả tuyết tủ đông, cả nhanh và chậm. Tuy nhiên, nếu muốn xả tuyết một cách nhanh và an toàn, các chuyên gia khuyên người dùng nên đặt một nồi nước nóng vào tủ và đóng cửa tủ lại để hơi nóng làm tan tuyết một cách tự nhiên. Không nên cố dùng dao hoặc các dụng cụ nhọn để chọc, phá tuyết trong tủ lạnh bởi người dùng có thể vô ý làm trầy tủ hoặc làm hỏng các linh kiện trong tủ.
>> Xem thêm: Hư board tủ động
Cập nhật lần cuối vào 14/09/2024 Bởi Thùy Linh
Ngày đăng bài 11/09/2024 Bởi Thùy Linh