Thực phẩm bên trong tủ lạnh nếu không được bảo quản đúng cách sẽ dễ hư hỏng, lãng phí. Ngoài ra, việc bảo quản lẫn lộn đồ ăn chín và đồ ăn sống cũng dễ gây ra mùi hôi khó chịu bên trong tủ. Hãy cùng Niềm Tin Việt tìm hiểu những cách bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh an toàn, hiệu quả ngay trong bài viết sau đây nhé!
1. Tác hại của việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không đúng cách
Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo an toàn và kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, nếu quá trình bảo quản không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng như:
- Hao hụt dinh dưỡng: Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không đúng cách sẽ khiến thực phẩm mất đi nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, như vitamin và khoáng chất.
- Hư hỏng thực phẩm: Nhiệt độ không phù hợp có thể khiến đồ bảo quản nhanh hỏng, thay đổi mùi vị, màu sắc và kết cấu bên ngoài.
- Xuất hiện mùi hôi: Mùi hôi của thực phẩm hư hỏng sẽ phát tán khắp bên trong tủ, ảnh hưởng đến các thực phẩm khác.
- Ảnh hưởng sức khỏe: Việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không đúng cách có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi gây hại cho sức khỏe người dùng.
2. Nguyên nhân dẫn đến thực phẩm trong tủ lạnh bị hư hỏng
Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh dễ bị hư hỏng do một trong số những nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Nhiệt độ quá cao/thấp: Nếu cài đặt nhiệt độ bảo quản quá cao, vi khuẩn có thể phát triển nhanh khiến thực phẩm bị hư hỏng. Nếu nhiệt độ quá thấp, các loại rau củ dễ bị đông cứng và gây lãng phí.
- Sắp xếp thực phẩm không hợp lý: Người dùng thường có thói quen bảo quản đồ ăn chín và đồ ăn sống chung với nhau mà không phân loại. Điều này khiến thực phẩm sống có thể nhiễm khuẩn chéo sang đồ chín và gây ra hư hỏng. Bên cạnh đó, việc nhồi nhét thực phẩm quả nhiều vào tủ cũng khiến khí lạnh bên trong khó lưu thông và gây ra hư hỏng.
- Lưu trữ thực phẩm hỏng lâu ngày: Một thực phẩm hỏng có thể nhanh lây lan vi khuẩn và mùi hôi sang các thực phẩm khác nhanh chóng khiến chúng cũng bị hư hỏng theo.
- Tủ lạnh ít được vệ sinh: Việc vệ sinh tủ định kỳ sẽ giúp loại bỏ những mùi hôi và nấm mốc phát sinh bên trong, đảm bảo an toàn cho gia đình. Tuy nhiên, đa phần người dùng bỏ qua công đoạn này nên khiến vi khuẩn và nấm mốc phát sinh ngày càng nhiều, khiến thực phẩm bảo quản bên trong nhanh hư hỏng.
3. Cách bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh an toàn, hiệu quả
Để thực phẩm luôn giữ được độ tươi ngon và đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình bạn, hãy tham khảo các cách bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh sau đây của Niềm Tin Việt:
3.1. Phân loại thực phẩm
Trước khi bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, bạn cần tiến hành phân loại như sau:
3.1.1. Thực phẩm tươi sống (cá, thịt, hải sản,…):
Cần rửa sạch và để khô ráo, chia nhỏ và bọc vào túi zip hoặc hộp đựng thực phẩm. Đặt vào ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ khoảng 2 – 4 độ C và thời gian sử dụng từ 3 – 5 ngày, hoặc đặt vào ngăn đông với nhiệt độ khoảng -18 độ C và thời gian sử dụng đến 1 tháng. Người dùng cần lưu ý không nên rã đông lượng lớn thực phẩm tươi sống 1 lần vì dễ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm vào lần sử dụng sau.
3.1.2. Thực phẩm chín:
Với thực phẩm đã được nấu chín, nên để nguội khoảng 2 tiếng trước khi cho vào hộp đựng và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 – 4 độ C, thời gian sử dụng khoảng 3 ngày. Người dùng có thể chia nhỏ lượng thực phẩm chín để giúp cho việc bảo quản tiện lợi hơn.
3.1.3. Các loại rau củ:
Đối với các loại rau củ, người dùng không nên rửa sạch và cắt nhỏ nếu chưa sử dụng ngay. Thay vào đó, hãy loại bỏ những phần bị úng, héo và tránh để rau củ dính nước.
Sau đó, chia rau củ thành từng phần nhỏ, rồi cho vào túi zip hoặc túi nilon có lỗ thoát khí và đặt vào ngăn rau quả của tủ lạnh. Ngăn này được thiết kế để duy trì nhiệt độ và độ ẩm tối ưu, giúp rau củ luôn tươi ngon.
Bạn cũng có thể đặt rau củ ở bất kỳ vị trí nào trong ngăn mát tủ lạnh, nơi có nhiệt độ từ 3 – 5 độ C, với thời gian bảo quản từ 2 – 7 ngày.
3.1.4. Các loại trái cây:
- Nhóm trái cây đã gọt vỏ: Nên đặt hộp đựng thực phẩm và bảo quản trong ngăn mát với nhiệt độ tối ưu từ 3 – 5 độ C, thời gian bảo quản từ 1 – 2 ngày.
- Nhóm trái cây nguyên trái: Rửa sạch, loại bỏ những phần bị hư và cho vào túi zip có lỗ thoát khí, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 3 – 5 độ C.
3.2. Cài đặt nhiệt độ phù hợp
Thông thường, nhiệt độ phù hợp đối với từng ngăn bảo quản của tủ lạnh sẽ rơi vào mức sau:
- Ngăn mát: Duy trì nhiệt độ từ 1-4°C để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
- Ngăn đá: Duy trì nhiệt độ ở -18°C hoặc thấp hơn để bảo quản thực phẩm đông lạnh.
3.3. Sắp xếp thực phẩm hợp lý
Người dùng cần lưu ý không nên nhồi nhét quá nhiều thực phẩm bên trong tủ vì điều này dễ khiến thực phẩm bị hư hỏng như phía trên Niềm Tin Việt đã phân tích. Bạn có thể sắp xếp theo gợi ý sau đây của chúng tôi:
- Ngăn trên cùng: Để các thực phẩm đã chế biến sẵn hoặc sữa chua, pho mát.
- Ngăn giữa: Bảo quản các thực phẩm đã nấu chín, thức ăn thừa, và các sản phẩm từ sữa.
- Ngăn dưới cùng: Để thịt, cá sống (được bọc kín) để tránh nước nhỏ giọt và nhiễm khuẩn chéo.
- Ngăn rau quả: Đặt rau củ quả trong các túi hoặc hộp có lỗ thoát khí, tránh rửa trước khi cất nếu không dùng ngay.
- Cửa tủ lạnh: Để các loại gia vị, đồ uống, và các thực phẩm ít nhạy cảm với nhiệt độ.
3.4. Vệ sinh tủ lạnh định kỳ
Môi trường ẩm ướt bên trong tủ lạnh có thể dẫn đến sự xuất hiện của nấm mốc và vi khuẩn từ thực phẩm nếu bạn không vệ sinh tủ lạnh định kỳ, khoảng mỗi 3 – 6 tháng.
Việc vệ sinh tủ lạnh giúp các bộ phận bên trong hoạt động hiệu quả hơn và loại bỏ cặn bẩn bám trên khay đựng cũng như những kẽ hở trong tủ. Ngoài ra, vệ sinh thường xuyên còn giúp loại bỏ mùi hôi, mang lại không khí trong lành cho tủ lạnh.
Trên đây là các cách bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh đảm bảo an toàn và hạn chế hư hỏng từ Niềm Tin Việt. Hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích giúp cho quá trình sử dụng của bạn hiệu quả hơn.
>> Xem thêm: Tủ lạnh có tốn nhiều điện không?
Cập nhật lần cuối vào 13/09/2024 Bởi Thùy Linh
Ngày đăng bài 11/09/2024 Bởi Thùy Linh